Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2009

ASEAN một lũ ăn tục nói phét



Hôm nọ được giao nhiệm vụ viết một bài về hội nghị thượng đỉnh ASEAN mà bóp mãi không ra được cái gì. Thì nội dung cái cuộc họp summit lần thứ 14 này có cái quái gì đâu mà nói? Quanh đi quẩn lại vẫn từng đấy câu bốc phét, hàng năm tua đi tua lại không biết nhục: hội nghị đã thành công tốt đẹp, các nước tăng cường hợp tác chống khủng hoảng, nhiều văn kiện quan trọng được ký kết làm tiền đề cho việc tiến tới thành lập cộng đồng chung ASEAN vào năm 20xx. Trên thực tế, đây là một hội nghị vô danh vô thực, là nơi để các nước ASEAN khẳng định tình đoàn kết nội khối, với nguyên tắc cơ bản nhất là không can thiệp vào công việc của nhau, tất cả mọi quyết định được thực hiện trên tinh thần đồng thuận. Câu cuối này có nghĩa là không ai làm được cái gì cả. 10 nước này có bao giờ đồng thuận với nhau được cái gì?

Đề xuất thành lập quỹ trao đổi tiền tệ giữa ASEAN và 3 nước đối tác Đông Bắc Á lẽ ra là một sáng kiến hay, nhưng thái độ dè chừng nhau của dân châu Á da vàng mũi tẹt đã biến nó thành trò hề. Hình thành ngay sau cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á năm 97 với tên gọi sáng kiến Chiềng Mai, ASEAN và 3 nước Đông B Á muốn tạo lập một quỹ độc lập với IMF để bảo vệ đồng tiền khu vực, nhưng chỉ vì cãi nhau tỷ lệ đóng góp cụ thể từng nước và cơ cấu hoạt động mà cả chục năm đề xuất vẫn chỉ là đề xuất. Quá nhục!!! Dân châu Á đúng là chỉ có tư chất làm nô lệ.

Kết quả có ý nghĩa duy nhất của cuộc họp lần này là FTA với Úc và New Zealand. Thực ra, cái FTA này lại thể hiện cái tính lá mặt lá trái rất hèn hạ của nhiều nước ASEAN. Indonesia đã ra lệnh bắt buộc công chức nhà nước mua hàng nội địa, Malaysia cũng đặt vấn đề ưu tiên cho hàng trong nước, thế nhưng lại ra rả nói rằng chúng tôi kịch liệt chống lại chủ nghĩa bảo hộ!!! Trò dối trá này khiến chính dân ASEAN có lương tri phải thấy nhục.

Nhưng Indonesia, Malaysia có nhục cũng không thể nhục bằng Việt Nam. Ai làm việc cho các phương tiện truyền thông quốc gia hẳn đều biết chuyện này. Nhục lắm, nhục nhất quả đất luôn.

Thứ Bảy, 28 tháng 2, 2009

Thị trường phái sinh: thứ vũ khí hủy diệt mới

Thị trường phái sinh sẽ định hình nền kinh tế thế giới trong thế kỷ 21. Nó là quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân đã rời bệ phóng.

-Quy mô thị trường phái sinh đã gấp 12,5 lần tổng GDP thế giới. GDP thế giới năm 2008 là 78 nghìn tỷ đô la.

-Miếng bánh lớn nhất của thị trừơng phái sinh thuộc về interest rate derivatives (các giao dịch phái sinh liên quan đến lãi suất). IRD chiếm 70% các giao dịch phái sinh thế giới.

-Các giao dịch tài chính phái sinh thường không được nêu ra trong bảng cân đối kế toán của công ty.

-JP Morgan Chase vừa thiết lập một tổ chức chuyên đảm trách các giao dịch phái sinh phi tập trung (over the counter), có tên Global Derivatives Service.

-Quy mô của các giao dịch phái sinh tín dụng (credit derivatives) toàn cầu là 27 nghìn tỷ đô la, trong đó phần lớn là CDS.

Thứ Ba, 24 tháng 2, 2009

Lịch sử phát triển của thị trường phái sinh

Một số cột mốc chính của sự phát triển thị trường phái sinh:

-24/9/1730: Sàn giao dịch hợp đồng tương lai đầu tiên trên thế giới được thiết lập tại thành phố Osaka, mang tên Sàn giao dịch Gạo Dojima. Dojima là tên một quận ở Osaka. Khi đó chính quyền Edo trả lương cho các samurai bằng gạo. Năm 1730 giá gạo xuống thấp, nên số tiền quy đổi được từ gạo cũng giảm đi. Để giải quyết tình trạng này, người ta nghĩ ra cách mua bán gạo không thanh toán ngay mà thanh toán vào một thời điểm sau này với mức giá hiện tại, đề phòng tình trạng giá gạo còn xuống nữa. Cách này được gọi là mua bán gạo ghi sổ.



-1848: sàn giao dịch Chicago (Chicago Board of Trade) ra đời. Đây là sàn giao dịch các công cụ tài chính phái sinh hiện đại đầu tiên trên thế giới. Ban đầu, người ta chỉ ký kết các hợp đồng kỳ hạn. Đến năm 1864, các hợp đồng tương lai mới hình thành.



-1949: quỹ đầu tư ngừa rủi ro (hedge fund) đầu tiên trên thế giới được thành lập bởi Alfred Jones (1900-1989), người gốc Úc. Khoảng tháng 5 năm 1949, Alfred thành lập công ty đầu tư với số vốn ban đầu là 100 nghìn đô la Mỹ, trong đó có 40 nghìn đô la tiền túi của ông. Chiến thuật của Alfred là mua thật nhiều cổ phiếu, để sự lên xuống giá mỗi cổ phiếu bị bù trù cho nhau và làm giảm rủi ro đầu tư. Trong suốt 34 năm hoạt động dưới sự điều hành của Alfred, quỹ chỉ lỗ 3 năm.

-1973: Sàn giao dịch quyền chọn Chicago được thiết lập. Đây là sàn giao dịch quyền chọn chứng khoán tiêu chuẩn hóa đầu tiên trên thế giới.

-1987: nhóm nghiên cứu các công cụ phái sinh của ngân hàng JP Morgan Chase đã phát minh ra Credit Default Swap.

-2007: quy mô thị trường các công cụ phái sinh toàn cầu vượt quá 450 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

Hợp đồng tương lai & Hợp đồng kỳ hạn

Hợp đồng tương lai (Futures Contract): là một dạng công cụ tài chính phái sinh. Hợp đồng tương lai ra đời để giảm thiểu những rủi ro sinh ra từ sự biến động giá hàng hóa cho bên mua và bên bán.

Hợp đồng tương lai được ký giữa hai bên mua và bán thông qua một tổ chức trung gian, thường là một sàn giao dịch. Trong hợp đồng tương lai, hai bên thỏa thuận bán một lượng hàng xác định vào một điểm xác định trong tương lai với một mức giá xác định.

Mức giá ở đây là mức giá được giao dịch trên thị trường tại thời điểm đó. Khi bạn thấy mức giá vào thời điểm này hợp lý, giả sử bằng X đô la, bạn sẽ đặt mua một lượng hàng hóa Y (đơn vị) với giá X đô la một đơn vị giao vào Z tháng sau. Đến thời điểm giao hàng, bạn sẽ được mua với giá X*Y đô la (đây cũng là giá trị hợp đồng), bất chấp giá trị thị thường khi đó là bao nhiêu đi chăng nữa.

Để được giao dịch hợp đồng tương lai, bạn phải nộp một khoản tiền cho sàn giao dịch gọi là tiền ký quỹ (margin). Số tiền này thường vào khoảng 5-10% giá trị hợp đồng.

Sau khi hợp đồng được ký kết, nếu giá hàng hóa giảm xuống, ví dụ X-1 đô la, bạn sẽ bị lỗ vì giá bạn đặt mua cao hơn giá thị trường 1 đô la. Tổng số tiền bạn bị lỗ là Y đô la. Sàn giao dịch sẽ lấy đi từ tài khoản của bạn Y đô la và chuyển cho người bán. Sự điều chỉnh này sẽ diễn ra hàng ngày cho tới khi hợp đồng kết thúc.

Việc sàn giao dịch trừ đi số tiền lỗ của bạn trong tài khoản ký quỹ khiến số tiền ký quỹ của bạn giảm xuống. Nếu tiền ký quỹ giảm xuống dưới một mức nhất định, bạn sẽ phải gửi thêm tiền vào nếu không sẽ bị loại khỏi quá trình giao dịch.

Hợp đồng tương lai mới được bắt đầu được áp dụng tại Việt Nam từ năm 2005.

Hợp đồng kỳ hạn (Forward Contract):cũng giống với hợp đồng kỳ hạn tương lai ở chỗ xác định giá và ngày giao hàng cụ thể, nhưng trong hợp đồng kỳ hạn hai bên giao dịch trực tiếp với nhau không qua trung gian. Trong hợp đồng kỳ hạn, hai bên sẽ thanh toán vào thời điểm giao hàng, không thanh toán lỗ lã hàng ngày như trong hợp đồng tương lai. Điều này khiến mức độ rủi ro của hợp đồng kỳ hạn cao hơn hợp đồng tương lai.

Vũng Quýt: công trình lịch sử

Xa xưa, trên lãnh thổ Việt Nam không có cái tên Dung Quất. Chỉ có vịnh Vũng Quýt ở tỉnh Quãng Ngãi. Nhưng người dân Quảng Ngãi với cái giọng trọ trẹ của mình, đã phát âm Vũng Quýt thành Dũng Quýt. Dần dần, Dũng Quít biến thành Dung Quất, nơi nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam ra đời vào tháng 2 năm 2009.



Trước năm 2006 Dung Quất đồng nghĩa với sai lầm, chủ quan duy ý chí của lãnh đạo Đảng mà tội lớn nhất là ông Kiệt, thì sau năm 2006 và nhất là vào tháng 2 năm 2009, Dung Quất lại đồng nghĩa với sự dũng cảm, dám nghĩ dám làm, thông minh sáng suốt của Đảng mà công lớn nhất thuộc về cố thủ tướng Võ Văn Kiệt kính yêu, người đã được tỉnh Quảng Ngãi lấy tên đặt cho một con đường mới ở khu đô thị Vạn Tường.



Dung Quất là một công trình hùng vĩ với rất nhiều hạng mục gây choáng ngợp. Con đê chắn sóng này dài 1,6 km, chân đê rộng hơn 100 mét, đỉnh đê cao 10 mét so với mặt nước biển. Đơn vị thi công đã phải sử dụng 1,5 triệu m3 đá các loại. Đây là con đê lớn nhất Đông Nam Á, và sau khi hoàn thành, chi phí xây dựng đã bị đội lên thêm 24 triệu đô la.



Nhiều thiết bị siêu trường siêu trọng đã được chở tới đây bằng xe chuyên dụng. Những thiết bị này không quen mắt với những người Việt Nam quen nghĩ nhỏ làm nhỏ. Mác nói vật chất quyết định ý thức, có lẽ loại vật chất khổng lồ này từ nay sẽ có tác động tích cực đến tư duy công nghịêp của người Việt chăng (?)



Dung Quất là một dự án kinh tế nhưng lại được quyết định bởi một động cơ chính trị. Cố thủ tướng VVK đã quyết định đặt nhà máy lọc dầu đầu tiên của VN tại một tỉnh miền Trung để thúc đẩy kinh tế khu vực này lên, bất chấp những bất lợi của vị trí địa lý khu vực. Điều này chắc chắn sẽ không bao giờ có thể xẩy ra ở một nước tư bản hoặc có chế độ nhiều đảng. Tuy nhiên nếu Dung Quất thành công, cái dở có thể sẽ biến thành cái ưu việt.



Dung Quất có vẻ đang thúc đẩy mọi mặt cho cho kinh tế Quảng Ngãi và kinh tế miền Trung: sản lượng công nghịêp, thị trường lao động, thị trường tiêu thụ hàng hóa, điểm trung chuyển hàng hóa bằng đường biển...Tác động giảm giá xăng trong nước có lẽ sẽ khó thực hiện, vì chi phí vận chuyển dầu thô từ mỏ Bạch Hổ lên Dung Quất rồi sau đó trở ngược xăng về tp HCM hay lên Hà Nội khá tốn kém, nhưng dẫu sao bình ổn giá xăng trong nước cũng không phải là mục tiêu chính của dự án.



Việc khu kinh tế Dung Quất đang trở nên sôi động và thu hút nhiều dự án đầu tư cho thấy sức hút to lớn của nhà máy lọc dầu. Nhà máy này giống như bóng đèn điện thu hút các con thiêu thân là các dự án đóng tàu chở dầu, nhà máy thép, chế tạo máy công nghiệp, nhà nghỉ, nhà ở, nhà hàng và vô số dịch vụ ăn theo khác. Một tổ hợp nhiều tầng vô cùng hiệu quả về mặt kinh tế bất chấp việc trái tim của tổ hợp này không có tính kinh tế cao nhất.



Xin chúc mừng mẻ dầu đầu tiên Made in Vietnam. Sau này nhiều khả năng chúng ta sẽ là nước nhập khẩu ròng dầu thô thay vì xuất khẩu dầu thô như hiện nay, và chúng ta sẽ có thêm nhiều nhà máy lọc dầu nữa. Nhưng chắc không có nhà máy lọc dầu nào đáng nhớ như nhà máy này.

Phân khúc nhà ở tại các tỉnh miền Bắc: không dễ ăn



Có rất nhiều dự án xây dựng khu dân cư mới đã được tiến hành hoặc đang được lên kế hoạch tại các tỉnh miền Bắc. Những dự án này nhắm vào tầng lớp thượng lưu* trong một huyện nào đó nơi dự án tiến hành. Những khu dân cư mới này giúp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn, nhưng cũng thường xuyên biến thành trái đắng cho các chủ đầu tư.

Những dự án khu dân cư mới thường được đặt ở trung tâm một huyện, có quy hoạch na ná giống nhau. Chúng cùng có khu chợ, bệnh viện, trường học, nghĩa trang, khu cây xanh, cơ sở hành chính huỵên, và khu đất ở. Chính cái khu đất ở này mới là trung tâm của dự án, tất cả những phần khác chỉ là "mồi". Người ta làm khu cây xanh để đáp ứng yêu cầu mật độ xây dựng không quá 60% đất dự án, mà cũng để thu hút dân mua đất ở.

Nhưng cá lại không chịu cắn câu. Tình trạng chung của các dự án khu dân cư mới là chỉ những khu đất nằm liền kề mặt đường giao thông mới bán chạy, còn những lô đất phía trong thì rất ế ẩm.

Có nhiều lý do khiến người dân không mặn mà với khu dân cư mới, lý do quan trọng nhất là vì nó không hợp với lối sống làng quê truyền thống của họ. Cách tổ chức và kiến trúc nhà ở các khu này rất giống với đô thị, hai nhà liền kề nhau có khi cũng chẳng biết nhau là ai. Người dân quê không chịu được lối sống công nghiệp này. Họ thích được sang nhà nhau chơi, con cà con kề hàng tiếng mới về.

Một lý do khác là họ đã có sẵn nhà rồi, những ngôi nhà xây dựng xuềnh xoàng, kém về mặt tiện nghi, nhưng lại có diện tích đất vườn, ao rộng hàng trăm mét. Họ cần gì bỏ cả trăm triệu đồng để mua một khu đất nữa? Riêng cái nhà của họ 3 đời con cháu đã ở không hết.




Các nhà đầu tư thường lấy lối sống văn minh đô thị và cơ sở hạ tầng của dự án ra làm tiêu chí thu hút khách hàng, mà quên hẳn rằng người dân quê họ không quan tâm đến cả hai yếu tố trên. Nó trái với lối sống quen thuộc của họ. Nên không có gì lạ khi các dự án thường kết thúc trong thất bại.

Chỉ những ai muốn kinh doanh mới cố mua một khu đất dự án gần mặt đường. Nhưng những khu này thường không có mà mua. Ngay khi dự án được công bố, dân đầu cơ đã mua sạch các lô đất ngon lành này để bán lại dần dần. Tiền đâu mà các bố lại mua được nhiều đất thế? Xin thưa rằng các ông ấy không có tiền, họ lợi dụng cơ chế thanh toán chia thành nhiều giai đoạn để ôm hàng. Lấy ví dụ để sở hữu một lô đất trị giá 800 triệu đồng, họ sẽ được trả làm 3 lần, lần đầu chỉ phải trả 400 triệu, hai lần sau trả tiếp. Thế nên nhiều người có thể ôm 3,4 lô đất mà chỉ phải trả một khoản tiền khiêm tốn. Họ sẽ bán lại cho những người có nhu cầu thực sự với cái giá ngất ngưởng. Sự tham gia của dân đầu cơ gây thiệt hại cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Chủ đầu tư thu hồi vốn chậm, còn khách hàng phải trả giá quá cao. Nhưng rất khó khắc phục được tình trạng này, vì không thể đòi người mua trả một lần hết ngay một số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng được.

Phân khúc nhà ở các tỉnh không phải dễ ăn, nhiều người đã trầy da tróc vẩy khi lao vào thị trường này.

*Tầng lớp thượng lưu: chỉ những người có thu nhập xấp xỉ hoặc cao hơn tầng lớp trung lưu tại các đô thị lớn, không ám chỉ về lối sống. Có thể những người này vẫn sống trong những ngôi nhà xuyền xoàng, đi xe máy cũ, nhưng thu nhập của họ lại cao. Cuộc khảo sát của tôi cho thấy phần lớn cư dân nông thôn chỉ có thu nhập 3-4 triệu/năm, những người thu nhập từ 24 triệu đồng năm trở lên đã có thể thuộc về tầng lớp thượng lưu nông thôn rồi.

Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2009

Lợi thế thời khủng hoảng


Vừa nhận ra một điều thú vị trong kết quả xuất nhập khẩu của ta. Tháng 1/2009, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 24,8% so với tháng 1/2008, trong đó giảm đặc biệt mạnh là dầu thô và dệt may, thì riêng gạo lại tăng 2,3 lần về lượng và 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc gạo cạnh tranh tốt trong khi những người anh em được kỳ vọng nhiều ngã ngựa không làm tôi ngạc nhiên. Đây là một đặc điểm đã được nêu rõ trong kinh tế học nhập môn: những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có độ co giãn của cầu theo thu nhập (YED) thấp. Nghĩa là sự biến động về thu nhập ít ảnh hưởng đến nhu cầu đối với một số mặt hàng. Lương thực là hàng hóa thiết yếu nhất và dĩ nhiên cuộc khủng hoảng tài chính + suy thoái kinh tế không (chưa) thể khiến người dân thế giới ăn ít đi được. Điều bất ngờ là ở chỗ kim ngạch xuất khẩu gạo lại tăng đột biến. Có lẽ nhiều người do thiếu tiền đã từ bỏ những loại gạo ngon, đắt tiền của Nhật, Mỹ, Thái để chuyển sang ăn gạo rẻ tiền của Việt Nam.

YED của mặt hàng gạo là bao nhiêu? Tôi cho rằng YED chỉ có ý nghĩa về mặt tư duy, chứ không thể và cũng không nên cố tìm ra một con số cụ thể. Nhưng chắc chắn YED của gạo phải thấp hơn YED của, ví dụ, dầu thô hay xe ô tô. Những quốc gia đã công nghịêp hóa toàn diện và trông cậy vào thị trường xuất khẩu hàng công nghịêp chắc chắn chứng kiến sự biến động xuất khẩu dữ dội hơn VN nhiều. Xuất khẩu tháng 1 của Hàn Quốc giảm 32.4%, Đài Loan giảm 44,1%. Không có gì lạ vì 90% tỷ trọng xuất khẩu của các nước này là các mặt hàng công nghệ cao, và dĩ nhiên, có YED cao.

Nếu suy thoái tiếp tục nghiêm trọng, liệu có khả năng chúng ta chứng kiên sự phát triển ngược trong kinh tế thế giới: sự chuyển dịch cơ cấu từ công nghịêp sang nông nghịêp hay không? Câu trả lời là không. Lý do là vì thế giới chỉ cần một lượng lương thực như vậy thôi, làm thừa phải đổ đi. Một lượng lớn lao động mất việc không biết làm gì, có khi phải giải quyết bằng cách tống cổ họ ra trận.

Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Sự phát triển của ngành ngân hàng Trung Quốc



Ngành ngân hàng Trung quốc phát triển từ rất sớm. Tờ tiền giấy đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử là Giao Tử (hình trên), phát hành đầu thế kỷ 11 đời Bắc Tống (960-1127), có phạm vi lưu hành trong tỉnh Tứ Xuyên. Như vậy là tiền giấy Trung Quốc có sớm hơn Châu Âu đến 600 năm. Theo Nguyễn Hiến Lê, nhà Tống phát hành giấy bạc là để đơn giản hóa việc chuyên chở. Đến đời Nam Tống (1127-1279), Giao Tử trở thành tờ tiền quốc gia, được sử dụng trên khắp lãnh thổ do nhà Tống kiểm soát, tức là từ phía Nam sông Dương Tử trở xuống.

Cũng trong thời nhà Tống, hoạt động thương mại đã trở nên rất phát đạt, cả nội thương lẫn ngoại thương. Ngoại thương thì tàu biển Trung Quốc không chỉ đến mấy nước gần như Nhật Bản, Cao Ly (bán đảo Triều Tiên bây giờ), Chiêm Thành, Indonesia, mà còn vươn xa đến tận Ấn Độ, Ba Tư. Trong nước trung tâm thương mại là hạ lưu sông Dương Tử nhờ kênh rạch nhiều, thuận lợi cho tàu bè đi lại. Mậu dịch phát triển dẫn đến sự phát sinh nhu cầu chuyển tiền, gửi tiền và vay nợ. Chính trong bối cảnh này các tổ chức tài chính có chức năng của một ngân hàng dần dần hình thành, đến nhà Thanh (1644-1911) thì phát triển mạnh và đến đạt mức gần hoàn thiện theo tiêu chuẩn của một ngân hàng hiện đại.

Thời nhà Thanh xuất hiện hai tổ chức tài chính chi phối toàn bộ hoạt động ngân hàng, đó là Phiếu Hiệu và Tiền Trang.

Phiếu Hiệu

Phiếu Hiệu là một tổ chức tài chính có chức năng chính là chuyển tiền. Phiếu Hiệu đầu tiên ra đời vào năm 1823, có tên Nhật Thăng Xương. Nguyên lai tổ chức này vốn là một xưởng nhuộm có trụ sở chính ở quận Bình Dao, tỉnh Sơn Tây. Xưởng này lớn và có chi nhánh ở nhiều địa phương. Để đơn giản hóa việc chuyển tiền, xưởng nhuộm nghĩ ra cách phát hành một tờ ngân phiếu có thể quy đổi thành tiền ở mọi chi nhánh của xưởng. Ban đầu tờ ngân phiếu chỉ lưu hành trong nội bộ xưởng, nhưng dần dần các nhà buôn khác nhận ra lợi ích của nó và đề nghị được cung cấp dịch vụ tương ứng. Lợi nhuận từ việc thu phí chuyển tiền dần dần vượt xa nghề nhuộm. Cuối cùng, ông chủ xưởng nhuộm quyết định tất cả các chi nhánh chấm dứt nghề nhuộm để chuyên cung cấp dịch vụ chuyển tiền.


Cửa hàng Nhật Thăng Xương

Sự lớn mạnh nhanh chóng của Nhật Thăng Xương đã kích thích nhiều người dân Sơn Tây cùng tham gia cung cấp dịch vụ chuyển tiền. Trong vòng 30 năm sau đó, có thêm 11 Phiếu Hiệu ra đời. Đến cuối thế kỷ 19, có tổng cộng 32 Phiếu Hiệu với 475 chi nhánh bao phủ khắp 18 tỉnh Trung Quốc, cộng thêm các vùng ngoại biên Mãn Châu, Mông Cổ, và Tân Cương. Các Phiếu Hiệu này đều do người Sơn Tây làm chủ nên còn có tên là các "ngân hàng Sơn Tây".

Các Phiếu Hiệu có vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại thời đó. Những nhà buôn muốn đến một vùng xa xôi nào đó mua hàng phải mang theo một số lượng tiền mặt lớn, điều này thu hút những toán cướp có vũ trang nhan nhản cuối nhà Thanh. Để đảm bảo an toàn, họ phải thuê những đội hộ tống lớn với chi phí rất tốn kém, có khi lên tới 2-3% giá trị chuyến hàng. Nếu họ có ngân phiếu của các Phiếu Hiệu, họ có thể đi một mình và giảm chi phí hành trình xuống còn 3 phần nghìn. Khách hàng của Phiếu Hiệu không chỉ là các nhà buôn mà còn cả chính quyền nhà Thanh. Thanh triều đòi các địa phương nộp thuế bằng bạc, nhưng loạn Thái Bình thiên quốc đã cắt đứt con đường vận chuyển bạc đóng thuế tới Bắc Kinh. Năm 1861, tổng số bạc chuyển về Tử Cấm thành là 1 triệu lạng, chỉ bằng 1/7 số lạng bạc thu thuế. Bí quá, chính quyền Thanh đành phải nhờ vả đến các Phiếu Hiệu. Từ năm 1872 đến 1893, các Phiếu Hiệu đã chuyển 44 triệu lạng bạc, tức 30% tổng số bạc thu thuế đến Bắc Kinh. Nhờ làm ăn với chính quyền, các Phiếu Hịêu mở rộng được mối quan hệ với các quan chức nhà nước, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Có người đã gọi Phiếu Hiệu là ngân hàng nhà nước đầu tiên của Trung Quốc.

Thập niên 90 thế kỷ 19, tổng lợi nhuận các Phiếu Hiệu thu về hàng năm là 42 triệu quan, giá trị các khoản tiền gửi vào Phiếu Hiệu là 210 triệu.

Tiền Trang

Tồn tại song song với các Phiếu Hiệu là Tiền Trang, một dạng ngân hàng thương mại nhỏ. Các Tiền Trang xuất phát từ tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải. Không biết Tiền Trang đầu tiên được thành lập năm nào, nhưng đến năm 1776, hịêp hội các tiền Trang Thượng Hải đã ra đời, do vậy có thể suy ra rằng các Tiền Trang hình thành từ rất lâu trước đó.

Không giống với các Phiêu Hiệu, các Tiền Trang có phạm vi hoạt động trong địa bàn một tỉnh, ít có chi nhánh ở các địa phương khác. Mãi đến cuối thế kỷ 19, một vài tiền trang lớn mới mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh lân cận. Đối tượng khách hàng của các Tiền Trang cũng là các nhà buôn nhỏ, không phải các đại phú hộ và chính quyền trung ương như các Phiếu Hiệu. Các Tiền Trang hoạt động như một ngân hàng hiện đại, họ cho vay, cho gửi tiền, đổi tiền, phát hành giấy bạc...Nhiều Tiền Trang hoạt động 24/24 giờ. Nguyên tắc hoạt động của các Tiền Trang là chữ tín, nên ít khi đòi hỏi thế chấp.

Các Tiền Trang và Phiếu Hiệu có địa bàn hoạt động khác nhau. Tiền Trang hoạt động ở Nam sông Dương Tử, trong khi các Phiếu Hiệu tập trung quanh sông Hoàng Hà ở miền Bắc. Mối quan tâm của hai bên cũng khác nhau, do vậy hai tổ chức ngân hàng cổ điển này thường hợp tác với nhau hơn là cạnh tranh. Các Phiếu Hiệu hay gửi tiền vào các Tiền Trang, ở riêng Thượng Hải có khi lên đến 2-3 triệu lạng bạc một năm.

Hai tổ chức này cho thấy Trung quốc đã tiếp cận được với ngành tài chính hiện đại từ rất sớm, nên khi Đặng Tiểu Bình mở cửa, cho phép khu vực tư nhân phát triển, ngành ngoại thương và tài chính Trung Quốc lập tức có bước nhảy vọt. Sự phát triển kinh tế Trung Quốc thần kỳ như vậy là có sự phát triển tuần tự trong lịch sử, không phải tự nhiên mà có.

Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2009

Nước Mỹ: thiên đường của chủ nghĩa bảo hộ


Phần đông nhân loại chỉ sống được đến 80 tuổi, và nếu cứ lấy kinh nghiệm cá nhân mà xét, hẳn ai cũng cho rằng Mỹ là nước yêu tự do thương mại nhất thế giới. Năm 1948, Mỹ là một trong 23 quốc gia ký hịêp định khai sinh ra GATT, tiền thân của WTO sau này. Mỹ là nước đi đầu trong việc ký kết các hịêp định tự do thương mại đa phương: NAFTA, MEFTA (sáng kiến khu vực tự do thương mại với Trung Đông), CAFTA-DR (hịêp định tự do thương mại Mỹ-Trung Mỹ-Cộng hoà Dominica), và khoảng gần 20 hịêp định tự do thương mại song phương. Các nhà kinh tế học, các viên chức nhà nước, nghị sỹ quốc hội, media Hoa Kỳ, đều ra rả tuyên truyền cho thần dược tự do thương mại, đến nỗi kinh tế gia (Mỹ) John Williamson đã đúc kết lại thành cụm từ nổi tiếng Đồng thuận Washinton nói về chính sách phát triển kinh tế hợp lý nhất cho các nước đang phát triển, trong đó mở cửa thị trường trong nước cho hàng nhập khẩu là biện pháp trọng tâm.

Nhưng trên thực tế nước Mỹ lại là thiên đường của chủ nghĩa bảo hộ. Ở Miền Nam có câu Nói dzậy mà không phải dzậy, ở miền Bắc có câu Nói một đằng làm một nẻo, chính hợp để chỉ chuyện này. Mỹ lập quốc đã được trên 230 năm, thì 170 năm theo đuổi một cách tích cực và kiên quyết chủ nghĩa bảo hộ. Bộ trưởng tài chính đầu tiên của Mỹ Alexander Halmiton trong báo cáo trình quốc hội Report of Manufacturers (1791), đã lập lụân rằng nước Mỹ mới độc lập, các ngành công nghiệp còn yếu nên không thể cạnh tranh được với hàng hóa của Anh. Ông đề xuất áp dụng hàng rào thuế quan để buộc hàng ngoại nhập phải tăng giá bán, đồng thời lấy tiền thu thuế hỗ trợ cho các công ty nội địa. Báo cáo của Halmiton đã trở thành kinh điển và trở thành cơ sở lý luận cho các chính quyền tiếp theo của Mỹ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Từ đây cho đến chiến tranh thế giới 2, Mỹ là nước phát triển theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ kiên quyết và mạnh mẽ nhất. Điểm lại chi tiết thì dài dòng, ở đây tôi chỉ nhắc đến một số bộ luật chính:

-Năm 1816, Dallas Tariff, bộ luật thuế mậu dịch hoàn chỉnh đầu tiên của nước Mỹ ra đời. Bộ luật thuế quan Dallas đánh thuế 25% đối với một loạt hạng mục hàng hóa nhập khẩu như len, bông...Không mức thuế đánh vào hàng dệt len và bông nào được ít hơn 6,25 cent một yard (=0,94 mét). Mục đích của luật thuế quan Dallas là để chặn đứng sự gia tăng quần áo nhập khẩu từ Anh.

-Năm 1824, mức thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu tăng lên 35%.

-Năm 1828, thuế áp dụng cho hàng hóa công nghịêp nhập khẩu tăng lên 50%! Bộ luật 1828 được ban hành để bảo vệ các nhà sản xuất công nghịêp miền Bắc. Miền Nam khi đó vẫn tồn tại chế độ nô lệ da đen, nền kinh tế chủ yếu dựa vào trồng bông, hàng công nghiệp và tiêu dùng chủ yếu nhập từ miền Bắc và nước ngoài nên bị ảnh hưởng rất nặng bởi bộ luật thuế này. Khi đó nổi lên thuyết "Nhóm 40" (40 bales theory) để miêu tả sự tai hại của luật thuế này đối với kinh tế miền Nam: Thuế 40% đánh vào hàng may từ bông khiến giá mặt hàng này tăng lên 40% => doanh thu từ hàng dệt bông giảm 40% => các nhà máy sẽ giảm 40% lượng bông đặt mua từ miền Nam. Các bang miền Nam gọi luật thuế 1828 là "Thuế kinh tởm" và tuyên bố không áp dụng luật này trong khu vực bang. South Carolina còn doạ sẽ li khai khỏi Hợp Chủng Quốc. Điều này đã dẫn đến sự thỏa hiệp phải giảm thuế nhập khẩu dần dần.

-Chủ nghĩa bảo hộ tồn tại tà tà ở nước Mỹ đến năm 1930 thì lại trở thành điểm nóng. Hai nghị sỹ Smooth và Hawley đã cùng nhau soạn bộ luật thuế quan Smooth-Hawley, theo đó thuế đánh vào hàng nhập khẩu tăng lên 50%. Khác với các bộ luật thuế quan thế kỷ 19 được áp dụng để bảo vệ ngành công nghịêp non trẻ của nước Mỹ, bộ luật thuế Smooth Hawley nhằm giải quyết tình trạng thừa cung xẩy ra sau cuộc đại suy thoái 1928. Để trả đũa, các nước khác cũng áp dụng mức thuế kỷ lục đánh vào hàng nhập khẩu Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Châu Âu giảm từ 2,3 tỷ đô la năm 1919 xuống còn 784 triệu năm 1932. Bộ luật thuế Smooth-Hawley là phát súng khơi mào cho sự sụt giảm chưa từng thấy của thương mại toàn cầu. Một thời gian ngắn sau đó Mỹ nhận ra sự tai hại của hàng rào thuế quan cực đoan, đồng thời sau 1 thế kỷ bảo hộ các công ty Mỹ đã đủ lông đủ cánh để áp đảo các nước khác, nên sau chiến tranh thế giới 2 Mỹ là nước rất tích cực thúc đẩy tự do thương mại trên thế giới.

60 năm sau, nước Mỹ lại một lần nữa bắn phát súng đầu tiên cho sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới. Trong Bộ luật Tái đầu tư và Phục hồi nước Mỹ, kẻ mị dân Obama đã nhét thêm điều khoản Buy American có nội dung buộc các dự án xây dựng nhận tiền hỗ trợ của chính phủ phải mua sắt thép sản xuất tại Mỹ. Phe dân chủ còn định mở rộng thêm danh mục hàng hóa sản xuất tại Mỹ bắt buộc phải mua trong các dự án cứu trợ, nếu không có sự phản đối kịch liệt của thế giới. Sự kiện Buy America đã khơi mào cho chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên tại Châu Âu.

Không phải ngẫu nhiên một vài nhà kinh tế học xuất thân từ các nước phát triển sau, như Ha-joon Chang, gọi các nước đã phát triển mà đầu sỏ là Mỹ, là những kẻ đạo đức giả, miệng nam mô bụng một bồ dao găm, lúc nào cũng chăm chăm bảo hộ thị trường nội địa nhưng luôn hô hào các nước khác mở toang cánh cửa cho hàng hóa nhập khẩu. Không khác gì kẻ trèo lên tới đỉnh rồi quay lại đạp đổ chiếc thang đi không cho đứa khác trèo lên. Thuyết Kiêm ái rõ ràng chưa có đất dụng võ trong xã hội dã man ngày nay.

Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2009

Credit Default Swap - Hợp đồng Bảo hiểm Nợ



Từ Credit Default Swap dịch sát là Hợp đồng Hoán đổi Nợ xấu. Tuy nhiên về thực chất thì nó là một dạng bảo hiểm tài sản, cũng gíông như người ta mua bảo hiểm sức khỏe vậy.

CDS được phát minh ra năm 1997 bởi ngân hàng JP Morgan Chase. Ban đầu, CDS thuần túy là một hợp đồng bảo hiểm những tài sản mang tính rủi ro. Nếu anh A nắm một lượng lớn cổ phiếu, trái phiếu của công ty B, và lo một ngày nào đó công ty B bị phá sản thì số chứng khoán này sẽ thành giấy vụn, khi đó A sẽ đến ngân hàng C mua CDS, tức là A ký với C một hợp đồng, theo đó A sẽ trả một khoản tiền mang tính định kỳ cho C, và đổi lại C bảo lãnh giá trị số chứng khoán đó cho A. Nếu công ty B phá sản trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, ngân hàng C sẽ thanh toán tiền thiệt hại cho A và hợp đồng chấm dứt.

Một ví dụ đơn giản dễ hiểu:

Anh A mua bảo hiểm 10 triệu đô la từ ngân hàng C đối với số cổ phiếu do công ty B phát hành mà A đang giữ trong thời gian 5 năm. A sẽ phải trả lãi suất (spread) cho C là 0,5% mỗi năm, tức 10 triệu*0,5%=50 nghìn đô la mỗi năm. Trong 5 năm nếu không có vấn đề gì xẩy ra, tổng số tiền A phải trả cho ngân hàng C là 250 nghìn đô la.

Tuy nhiên nếu sau 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng, công ty B phá sản và số nợ họ phát hành trở thành mớ giấy lộn, ngân hàng C sẽ phải trả cho A 10 triệu đô la. Tổng số tiền A trả cho ngân hàng C trong hai năm là 100 nghìn đô la, nhưng nếu không có sự bảo lãnh của ngân hàng C thì A đã mất trắng số chứng khoán do B phát hành.

Dần dần, CDS biến tướng và trở thành cuộc chơi của các quỹ đầu tư ngừa rủi ro (hedge fund). Các quỹ này không giữ một cổ phiếu nào của công ty B, nhưng biết rằng B đang gặp khó khăn tài chính và có lẽ sẽ sớm phá sản, nên ký hợp đồng bảo hiểm nợ CDS với giá rất cao với ngân hàng C. Nếu B phá sản thật thì các quỹ ngừa rủi ro ăn quả đậm, nhưng nếu không may B lại vượt qua được giai đoạn khó khăn thì các quỹ ngừa rủi ro lỗ nặng. Như vậy là CDS từ một hình thức bảo hiểm có ý nghĩa đã biến thành một trò đánh bạc. Càng ngày tính chất đánh bạc và đầu cơ càng nổi trội và cuối cùng nó thống trị thị trường CDS.

Năm 2000, quốc hội Mỹ đã phạm một sai lầm không thể tha thứ khi thông qua điều luật 5660, theo đó hợp đồng bảo hiểm nợ cùng một loạt những sản phẩm tài chính phái sinh khác không chịu sự giám sát nhà nước. Luật 5660 ra đời từ sự vận động hành lang của các tập đoàn tài chính lớn, nhằm giúp cho họ thoải mái phát hành và kinh doanh những sản phẩm tài chính đem lại nhiều lợi nhuận nhưng đồng thời cũng có tính rủi ro cao (điều nực cười là chính đứa con đẻ của các công ty tài chính lại trở thành kẻ phá sập các tập đoàn này. Quan hệ nhân quả chăng?). Những người soạn luật đã khôn khéo trình luật 5660 tại quốc hội chỉ một ngày trước kỳ nghỉ lễ giáng sinh, do đó nó được thông qua ngay mà không có cuộc thảo luận cần thiết. Khi đó chủ tịch cục dự trữ liên bang Alan Greenspan là người ủng hộ mạnh mẽ việc để thị trường tự điều chỉnh. Ông này cho rằng thị trường luôn đúng còn nhà nước luôn sai, do đó nhà nước càng ít can thịêp vào thị trường càng tốt. Alan Greenspan đã chống lại tất cả các nỗ lực nhằm đặt các sản phẩm tài chính phái sinh dưới sự giám sát nhà nước, một hành động góp phần đưa nước Mỹ đến cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng gần 100 năm qua.

Luật 5660 đã tạo điều kiện cho thị trường CDS phát triển như vũ bão. Tại Mỹ, trước khi luật 5660 được thông qua, thị trường CDS có quy mô 900 tỷ đô la, thì đến cuối năm 2007 đã tăng lên thành 45 nghìn tỷ đô la, nghĩa là tăng lên 50 lần! Trong thị trường CDS, các hợp đồng mang tính đánh bạc và đầu cơ của các quỹ mạo hiểm chiếm đến hơn một nửa. CDS cũng mở rộng quy mô sang cả các chứng khoán dựa trên nhà cửa thế chấp. Do các ngân hàng không bị quản lý trong các hoạt động bảo hiểm CDS, họ bảo hiểm vô tội vạ mà không để ý xem mình có đủ tiền để thanh toán nếu đối tượng được bảo hiểm kia phá sản hay không. Khi bong bóng nhà đất vỡ, các ngân hàng, kể cả những ngân hàng lớn nhất, không có tiền để trả cho các hợp đồng CDS và do đó buộc phải tuyên bố phá sản hàng loạt. Điều hài hước là, các hedge fund lại sử dụng ngay tình cảnh khốn khó của các ngân hàng để ký CDS với các ngân hàng khác và khiến tình hình trở nên thêm nghiêm trọng. Các ngân hàng đã đẩy lãi suất trong các hợp đồng CDS lên cao nhưng trong trường hợp ngân hàng đang khó khăn kia phá sản thực sự, thì số tiền khổng lồ phải trả cho các hedge fund sẽ khiến ngân hàng thanh toán phải điêu đứng.

Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

Net loss và Operating loss

Trong các dự báo kinh doanh của các công ty gần đây, người ta thường thấy hai cụm từ operating loss và net loss. Ví dụ trong bản dự báo kết quả kinh doanh năm tài khóa 2010 (bắt đầu từ tháng 3 năm 2009 kết thúc tháng 3 năm 2010) của Toyota, ta thấy nói thế này:

"Toyota said its operating loss will likely widen to 450 billion yen ($4.95 billion) for the fiscal year ending March 31. In December, the Nagoya-based automaker forecast a 150 billion yen operating loss.
...
Toyota said its outlook was for a net loss of 350 billion yen in the March-ended fiscal year, revising its earlier view for a 50 billion yen net profit."

Theo MarketWatch

Net loss là khoản thua lỗ ròng, bằng tổng doanh thu trừ đi tổng chi phí. Tổng doanh thu và tổng chi phí tính tất cả các khoản lỗ lã trong năm tài khóa của công ty, kể cả từ các hoạt động kinh doanh thường xuyên hay không phát sinh.

Operating loss là lỗ hoạt động. Tiền lỗ này bằng doanh thu từ các hoạt động kinh doanh thường xuyên trừ đi chi phí từ các hoạt động kinh doanh thường xuyên. Lỗ hoạt động không tính đến các chi phí và lợi nhuận phát sinh trong năm.

Do vậy operating loss và net loss có kết quả khác nhau.

Đại suy thoái kinh tế thế giới


Thế giới đang rơi vào tình trạng co nhỏ không có lối thoát. Khi giá nhà giảm ở nước Mỹ mùa hè năm 2007, cả thế giới nghĩ đó chỉ là một cái mụn nhỏ. Nhưng thật không ngờ cái mụn này lại là biểu hiện của một căn bệnh ung thư gan di căn. Trước đó trong thời kỳ phát triển kinh tế phồn thịnh, chính quyền Clinton và Alan Greenspan nghĩ cần hạn chế sự can thịêp vào thị trường càng nhiều càng tốt nên nới lỏng các chính sách quản lý đối với ngân hàng và thị trường thứ cấp. Các ngân hàng không bị kiểm soát đã phát hành vô tội vạ trái phiếu dựa trên các tài sản nhà đất thế chấp. Số trái phiếu này phát tán đi khắp thế giới, đặc biệt là tại Châu Âu. Khi giá nhà đất giảm, số trái phiếu này trở thành mớ giấy lộn. Các ngân hàng cho vay quá khả năng ngay lập tức ngập trong nợ. Các ngân hàng mua quá nhiều trái phiếu nhà đất thế chấp cũng ngập trong nợ. Cổ đông nhận ra tình hình khó khăn của các ngân hàng và bắt đầu bán cổ phiếu đi, đẩy giá cổ phiếu xuống thấp. Các ngân hàng không huy động được vốn trong khi nợ thì ngập đến tận cổ, và thế là boong, chết cả nút. Chết dây chuyền. Cả một hệ thống tài chính Mỹ gần như chết cùng một thời điểm: 1 năm sau khi giá nhà đất ở Mỹ giảm. Sau khi hệ thống tài chính Mỹ sụp đổ là đến lượt các ngân hàng Châu Âu, các ngân hàng Nhật, vì mấy ngân hàng lớn có quan hệ tài chính rất chặt chẽ với nhau. Họ vay tiền, cho vay, sở hữu tài sản của nhau, nên một chú đi thì các chú khác cũng chết theo. Đến lúc này thì thế giới mới ý thức được một cuộc khủng hoảng đang nổ ra, nhưng mọi người vẫn chưa ý thức được tầm mức nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này.

Mọi người vẫn nghĩ đây chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính, nghĩa là hạn chế trong mấy ngân hàng thôi. Nhưng vấn đề là mấy ngân hàng này lại toàn là ông trùm cho vay và đầu tư trên thế giới cả. Bọn này nó làm ăn thua lỗ quá, nó không cho ai vay nữa mà tập trung đi đòi nợ. Để cut cost nó sa thải cả chục ngàn lao động. Thế là thế giới chịu hai tác động kép: một là các hoạt động cho vay bị ngưng trệ, hai là tình trạng thất nghiệp gia tăng. Các nhà sản xuất không vay được tiền, mà vay được thì điều kiện cũng rất khắc nghiệt, nên không đầu tư đầu teo gì ráo. Tất cả các hoạt động mở rộng đầu tư đều chấm dứt hết. Lúc này thì cuộc khủng hoảng tài chính đã lan sang khu vực sản xuất, và qua khu vực sản xuất mà lan sang thị trường tiêu dùng. Thất nghiệp tràn lan, người ta không mua sắm nữa. Đến Mỹ là cái thằng chỉ biết chi tiêu, thậm chí vay nợ mà chi tiêu, bây giờ cũng giở dói đề cao tính tiết kiệm. Nhưng lúc này mà tiết kiệm thì chết. Tiết kiệm thì hàng sản xuất ra không ai mua, hàng không ai mua thì các công ty càng lỗ, càng phải giảm quy mô sản xuất xuống, càng cắt giảm thêm nhiều lao động, mà thế là người ta càng chi tiêu ít đi. Chết chết, cái vòng luẩn quẩn đi xuống âm phủ.

Những nước như Trung Quốc, Việt Nam từ trước đến nay chi tiêu ít mà trông cậy chủ yếu vào xuất khẩu. Nhưng bây giờ Mỹ, Nhật, Anh, Đức, nó không mua hàng nữa thì lấy gì mà sống đây? Chú Trung Quốc lúc khó khăn người ta mới nhận ra là con hổ giấy, sức mạnh của chú là sức mạnh ảo, sức mạnh vờ vịt. Người dân Trung Quốc nghèo lắm, không có tiền mà mua sắm đâu, nên chưa đến lúc để Trung Quốc dựa vào thị trường trong nước. 1,3 tỷ người đấy là 1,3 tỷ hạt cát, không có gió thổi từ bên ngoài thì nằm đấy mà khóc với nhau.

Lúc này người ta mới nghĩ cách để giải quyết. Đại khủng hoảng rồi, đại suy thoái rồi, không tìm ra cách thoát ra thì chết cả nút với nhau. Để chặn cái xu hướng co nhỏ tai hại, các nước đua nhau kích cầu. Kích cầu là đúng với tư tưởng của Keynes, vì phái cổ điển hay tân cổ điển đều cho rằng thị trường luôn biết tự điều chỉnh. Chả thế mà có người phải thốt lên lúc này tất cả chúng ta đều là Keynes cả. Ngay cả việc quốc hữu hóa ngân hàng và công ty cũng đúng với tư tưởng của Keynes luôn. Dân Mỹ lúc nào cũng tuyên truyền cho chủ nghĩa tự do thị trường, chửi bới nhà nước, bây giờ là bọn chạy nhanh nhất trong lĩnh vực quốc hữu hóa. Dog die! Người ta định chặn cái xu hướng thu nhỏ lại bằng việc hỗ trợ tiền cho các công ty, mua các tài sản ung thối của các ngân hàng và buộc bọn này phải cho vay tiền. Nhưng cái này cũng cần có thời gian. Có phải muốn cho vay là cho vay được ngay đâu? Còn phải xem dự án nào có thể cho vay được, còn phải cân đối bảng cân đối kế toán (balance sheet) xấu hoắc, nhưng mà bây giờ thì dự án nào cho vay được? Chả có cái dự án nào cho vay được vì cả thế giới cùng đang ngắc ngoải, mà cũng chẳng ai muốn vay để đầu tư. Tiền chôn trong các ngân hàng không có tác dụng gì. Dư luận cho rằng tiền cứu trợ chảy vào túi của ban điều hành tập đoàn cả, điều này cũng có lý lắm. Mà bọn này chỉ vài mạng, có tác dụng kích cầu gì đâu?

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, một diễn đàn rất ngu và hoàn toàn không có tác dụng gì ngoài tác dụng quảng cáo và kết bạn cho giám đốc các công ty lớn, George Soros nói một câu làm nhiều người choáng váng. Cuộc đại suy thoái 1930 giải quyết được là nhờ chiến tranh thế giới lần 2, cuộc đại suy thoái lần này có lẽ cũng sẽ như thế. Tất nhiên bây giờ thì người ta nghĩ lời này là lầm, nhưng nếu suy thoái kéo dài 2, 3 năm thì không ai đảm bảo được điều gì. Cả thế giới sẽ co cụm lại, chủ nghĩa dân tộc lên cao và sẽ có kẻ tìm cách gây chiến tranh để giải quyết vấn đề kinh tế và tâm lý. Không ai biết trước được.

Không mong điều này xẩy ra, và hy vọng đến cuối năm nay hoặc tệ lắm thì đầu năm sau tình hình sẽ chuyển biến tốt đẹp, nhưng cũng phải chờ xem thế nào thôi.