Chủ Nhật, 15 tháng 2, 2009

Nước Mỹ: thiên đường của chủ nghĩa bảo hộ


Phần đông nhân loại chỉ sống được đến 80 tuổi, và nếu cứ lấy kinh nghiệm cá nhân mà xét, hẳn ai cũng cho rằng Mỹ là nước yêu tự do thương mại nhất thế giới. Năm 1948, Mỹ là một trong 23 quốc gia ký hịêp định khai sinh ra GATT, tiền thân của WTO sau này. Mỹ là nước đi đầu trong việc ký kết các hịêp định tự do thương mại đa phương: NAFTA, MEFTA (sáng kiến khu vực tự do thương mại với Trung Đông), CAFTA-DR (hịêp định tự do thương mại Mỹ-Trung Mỹ-Cộng hoà Dominica), và khoảng gần 20 hịêp định tự do thương mại song phương. Các nhà kinh tế học, các viên chức nhà nước, nghị sỹ quốc hội, media Hoa Kỳ, đều ra rả tuyên truyền cho thần dược tự do thương mại, đến nỗi kinh tế gia (Mỹ) John Williamson đã đúc kết lại thành cụm từ nổi tiếng Đồng thuận Washinton nói về chính sách phát triển kinh tế hợp lý nhất cho các nước đang phát triển, trong đó mở cửa thị trường trong nước cho hàng nhập khẩu là biện pháp trọng tâm.

Nhưng trên thực tế nước Mỹ lại là thiên đường của chủ nghĩa bảo hộ. Ở Miền Nam có câu Nói dzậy mà không phải dzậy, ở miền Bắc có câu Nói một đằng làm một nẻo, chính hợp để chỉ chuyện này. Mỹ lập quốc đã được trên 230 năm, thì 170 năm theo đuổi một cách tích cực và kiên quyết chủ nghĩa bảo hộ. Bộ trưởng tài chính đầu tiên của Mỹ Alexander Halmiton trong báo cáo trình quốc hội Report of Manufacturers (1791), đã lập lụân rằng nước Mỹ mới độc lập, các ngành công nghiệp còn yếu nên không thể cạnh tranh được với hàng hóa của Anh. Ông đề xuất áp dụng hàng rào thuế quan để buộc hàng ngoại nhập phải tăng giá bán, đồng thời lấy tiền thu thuế hỗ trợ cho các công ty nội địa. Báo cáo của Halmiton đã trở thành kinh điển và trở thành cơ sở lý luận cho các chính quyền tiếp theo của Mỹ theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Từ đây cho đến chiến tranh thế giới 2, Mỹ là nước phát triển theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ kiên quyết và mạnh mẽ nhất. Điểm lại chi tiết thì dài dòng, ở đây tôi chỉ nhắc đến một số bộ luật chính:

-Năm 1816, Dallas Tariff, bộ luật thuế mậu dịch hoàn chỉnh đầu tiên của nước Mỹ ra đời. Bộ luật thuế quan Dallas đánh thuế 25% đối với một loạt hạng mục hàng hóa nhập khẩu như len, bông...Không mức thuế đánh vào hàng dệt len và bông nào được ít hơn 6,25 cent một yard (=0,94 mét). Mục đích của luật thuế quan Dallas là để chặn đứng sự gia tăng quần áo nhập khẩu từ Anh.

-Năm 1824, mức thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu tăng lên 35%.

-Năm 1828, thuế áp dụng cho hàng hóa công nghịêp nhập khẩu tăng lên 50%! Bộ luật 1828 được ban hành để bảo vệ các nhà sản xuất công nghịêp miền Bắc. Miền Nam khi đó vẫn tồn tại chế độ nô lệ da đen, nền kinh tế chủ yếu dựa vào trồng bông, hàng công nghiệp và tiêu dùng chủ yếu nhập từ miền Bắc và nước ngoài nên bị ảnh hưởng rất nặng bởi bộ luật thuế này. Khi đó nổi lên thuyết "Nhóm 40" (40 bales theory) để miêu tả sự tai hại của luật thuế này đối với kinh tế miền Nam: Thuế 40% đánh vào hàng may từ bông khiến giá mặt hàng này tăng lên 40% => doanh thu từ hàng dệt bông giảm 40% => các nhà máy sẽ giảm 40% lượng bông đặt mua từ miền Nam. Các bang miền Nam gọi luật thuế 1828 là "Thuế kinh tởm" và tuyên bố không áp dụng luật này trong khu vực bang. South Carolina còn doạ sẽ li khai khỏi Hợp Chủng Quốc. Điều này đã dẫn đến sự thỏa hiệp phải giảm thuế nhập khẩu dần dần.

-Chủ nghĩa bảo hộ tồn tại tà tà ở nước Mỹ đến năm 1930 thì lại trở thành điểm nóng. Hai nghị sỹ Smooth và Hawley đã cùng nhau soạn bộ luật thuế quan Smooth-Hawley, theo đó thuế đánh vào hàng nhập khẩu tăng lên 50%. Khác với các bộ luật thuế quan thế kỷ 19 được áp dụng để bảo vệ ngành công nghịêp non trẻ của nước Mỹ, bộ luật thuế Smooth Hawley nhằm giải quyết tình trạng thừa cung xẩy ra sau cuộc đại suy thoái 1928. Để trả đũa, các nước khác cũng áp dụng mức thuế kỷ lục đánh vào hàng nhập khẩu Mỹ. Kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Châu Âu giảm từ 2,3 tỷ đô la năm 1919 xuống còn 784 triệu năm 1932. Bộ luật thuế Smooth-Hawley là phát súng khơi mào cho sự sụt giảm chưa từng thấy của thương mại toàn cầu. Một thời gian ngắn sau đó Mỹ nhận ra sự tai hại của hàng rào thuế quan cực đoan, đồng thời sau 1 thế kỷ bảo hộ các công ty Mỹ đã đủ lông đủ cánh để áp đảo các nước khác, nên sau chiến tranh thế giới 2 Mỹ là nước rất tích cực thúc đẩy tự do thương mại trên thế giới.

60 năm sau, nước Mỹ lại một lần nữa bắn phát súng đầu tiên cho sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới. Trong Bộ luật Tái đầu tư và Phục hồi nước Mỹ, kẻ mị dân Obama đã nhét thêm điều khoản Buy American có nội dung buộc các dự án xây dựng nhận tiền hỗ trợ của chính phủ phải mua sắt thép sản xuất tại Mỹ. Phe dân chủ còn định mở rộng thêm danh mục hàng hóa sản xuất tại Mỹ bắt buộc phải mua trong các dự án cứu trợ, nếu không có sự phản đối kịch liệt của thế giới. Sự kiện Buy America đã khơi mào cho chủ nghĩa bảo hộ đang nổi lên tại Châu Âu.

Không phải ngẫu nhiên một vài nhà kinh tế học xuất thân từ các nước phát triển sau, như Ha-joon Chang, gọi các nước đã phát triển mà đầu sỏ là Mỹ, là những kẻ đạo đức giả, miệng nam mô bụng một bồ dao găm, lúc nào cũng chăm chăm bảo hộ thị trường nội địa nhưng luôn hô hào các nước khác mở toang cánh cửa cho hàng hóa nhập khẩu. Không khác gì kẻ trèo lên tới đỉnh rồi quay lại đạp đổ chiếc thang đi không cho đứa khác trèo lên. Thuyết Kiêm ái rõ ràng chưa có đất dụng võ trong xã hội dã man ngày nay.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét