Thứ Hai, 16 tháng 2, 2009

Sự phát triển của ngành ngân hàng Trung Quốc



Ngành ngân hàng Trung quốc phát triển từ rất sớm. Tờ tiền giấy đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử là Giao Tử (hình trên), phát hành đầu thế kỷ 11 đời Bắc Tống (960-1127), có phạm vi lưu hành trong tỉnh Tứ Xuyên. Như vậy là tiền giấy Trung Quốc có sớm hơn Châu Âu đến 600 năm. Theo Nguyễn Hiến Lê, nhà Tống phát hành giấy bạc là để đơn giản hóa việc chuyên chở. Đến đời Nam Tống (1127-1279), Giao Tử trở thành tờ tiền quốc gia, được sử dụng trên khắp lãnh thổ do nhà Tống kiểm soát, tức là từ phía Nam sông Dương Tử trở xuống.

Cũng trong thời nhà Tống, hoạt động thương mại đã trở nên rất phát đạt, cả nội thương lẫn ngoại thương. Ngoại thương thì tàu biển Trung Quốc không chỉ đến mấy nước gần như Nhật Bản, Cao Ly (bán đảo Triều Tiên bây giờ), Chiêm Thành, Indonesia, mà còn vươn xa đến tận Ấn Độ, Ba Tư. Trong nước trung tâm thương mại là hạ lưu sông Dương Tử nhờ kênh rạch nhiều, thuận lợi cho tàu bè đi lại. Mậu dịch phát triển dẫn đến sự phát sinh nhu cầu chuyển tiền, gửi tiền và vay nợ. Chính trong bối cảnh này các tổ chức tài chính có chức năng của một ngân hàng dần dần hình thành, đến nhà Thanh (1644-1911) thì phát triển mạnh và đến đạt mức gần hoàn thiện theo tiêu chuẩn của một ngân hàng hiện đại.

Thời nhà Thanh xuất hiện hai tổ chức tài chính chi phối toàn bộ hoạt động ngân hàng, đó là Phiếu Hiệu và Tiền Trang.

Phiếu Hiệu

Phiếu Hiệu là một tổ chức tài chính có chức năng chính là chuyển tiền. Phiếu Hiệu đầu tiên ra đời vào năm 1823, có tên Nhật Thăng Xương. Nguyên lai tổ chức này vốn là một xưởng nhuộm có trụ sở chính ở quận Bình Dao, tỉnh Sơn Tây. Xưởng này lớn và có chi nhánh ở nhiều địa phương. Để đơn giản hóa việc chuyển tiền, xưởng nhuộm nghĩ ra cách phát hành một tờ ngân phiếu có thể quy đổi thành tiền ở mọi chi nhánh của xưởng. Ban đầu tờ ngân phiếu chỉ lưu hành trong nội bộ xưởng, nhưng dần dần các nhà buôn khác nhận ra lợi ích của nó và đề nghị được cung cấp dịch vụ tương ứng. Lợi nhuận từ việc thu phí chuyển tiền dần dần vượt xa nghề nhuộm. Cuối cùng, ông chủ xưởng nhuộm quyết định tất cả các chi nhánh chấm dứt nghề nhuộm để chuyên cung cấp dịch vụ chuyển tiền.


Cửa hàng Nhật Thăng Xương

Sự lớn mạnh nhanh chóng của Nhật Thăng Xương đã kích thích nhiều người dân Sơn Tây cùng tham gia cung cấp dịch vụ chuyển tiền. Trong vòng 30 năm sau đó, có thêm 11 Phiếu Hiệu ra đời. Đến cuối thế kỷ 19, có tổng cộng 32 Phiếu Hiệu với 475 chi nhánh bao phủ khắp 18 tỉnh Trung Quốc, cộng thêm các vùng ngoại biên Mãn Châu, Mông Cổ, và Tân Cương. Các Phiếu Hiệu này đều do người Sơn Tây làm chủ nên còn có tên là các "ngân hàng Sơn Tây".

Các Phiếu Hiệu có vai trò đặc biệt quan trọng trong thương mại thời đó. Những nhà buôn muốn đến một vùng xa xôi nào đó mua hàng phải mang theo một số lượng tiền mặt lớn, điều này thu hút những toán cướp có vũ trang nhan nhản cuối nhà Thanh. Để đảm bảo an toàn, họ phải thuê những đội hộ tống lớn với chi phí rất tốn kém, có khi lên tới 2-3% giá trị chuyến hàng. Nếu họ có ngân phiếu của các Phiếu Hiệu, họ có thể đi một mình và giảm chi phí hành trình xuống còn 3 phần nghìn. Khách hàng của Phiếu Hiệu không chỉ là các nhà buôn mà còn cả chính quyền nhà Thanh. Thanh triều đòi các địa phương nộp thuế bằng bạc, nhưng loạn Thái Bình thiên quốc đã cắt đứt con đường vận chuyển bạc đóng thuế tới Bắc Kinh. Năm 1861, tổng số bạc chuyển về Tử Cấm thành là 1 triệu lạng, chỉ bằng 1/7 số lạng bạc thu thuế. Bí quá, chính quyền Thanh đành phải nhờ vả đến các Phiếu Hiệu. Từ năm 1872 đến 1893, các Phiếu Hiệu đã chuyển 44 triệu lạng bạc, tức 30% tổng số bạc thu thuế đến Bắc Kinh. Nhờ làm ăn với chính quyền, các Phiếu Hịêu mở rộng được mối quan hệ với các quan chức nhà nước, góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của họ. Có người đã gọi Phiếu Hiệu là ngân hàng nhà nước đầu tiên của Trung Quốc.

Thập niên 90 thế kỷ 19, tổng lợi nhuận các Phiếu Hiệu thu về hàng năm là 42 triệu quan, giá trị các khoản tiền gửi vào Phiếu Hiệu là 210 triệu.

Tiền Trang

Tồn tại song song với các Phiếu Hiệu là Tiền Trang, một dạng ngân hàng thương mại nhỏ. Các Tiền Trang xuất phát từ tỉnh Chiết Giang, Giang Tô và Thượng Hải. Không biết Tiền Trang đầu tiên được thành lập năm nào, nhưng đến năm 1776, hịêp hội các tiền Trang Thượng Hải đã ra đời, do vậy có thể suy ra rằng các Tiền Trang hình thành từ rất lâu trước đó.

Không giống với các Phiêu Hiệu, các Tiền Trang có phạm vi hoạt động trong địa bàn một tỉnh, ít có chi nhánh ở các địa phương khác. Mãi đến cuối thế kỷ 19, một vài tiền trang lớn mới mở rộng phạm vi hoạt động ra các tỉnh lân cận. Đối tượng khách hàng của các Tiền Trang cũng là các nhà buôn nhỏ, không phải các đại phú hộ và chính quyền trung ương như các Phiếu Hiệu. Các Tiền Trang hoạt động như một ngân hàng hiện đại, họ cho vay, cho gửi tiền, đổi tiền, phát hành giấy bạc...Nhiều Tiền Trang hoạt động 24/24 giờ. Nguyên tắc hoạt động của các Tiền Trang là chữ tín, nên ít khi đòi hỏi thế chấp.

Các Tiền Trang và Phiếu Hiệu có địa bàn hoạt động khác nhau. Tiền Trang hoạt động ở Nam sông Dương Tử, trong khi các Phiếu Hiệu tập trung quanh sông Hoàng Hà ở miền Bắc. Mối quan tâm của hai bên cũng khác nhau, do vậy hai tổ chức ngân hàng cổ điển này thường hợp tác với nhau hơn là cạnh tranh. Các Phiếu Hiệu hay gửi tiền vào các Tiền Trang, ở riêng Thượng Hải có khi lên đến 2-3 triệu lạng bạc một năm.

Hai tổ chức này cho thấy Trung quốc đã tiếp cận được với ngành tài chính hiện đại từ rất sớm, nên khi Đặng Tiểu Bình mở cửa, cho phép khu vực tư nhân phát triển, ngành ngoại thương và tài chính Trung Quốc lập tức có bước nhảy vọt. Sự phát triển kinh tế Trung Quốc thần kỳ như vậy là có sự phát triển tuần tự trong lịch sử, không phải tự nhiên mà có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét