Thứ Hai, 23 tháng 2, 2009

Phân khúc nhà ở tại các tỉnh miền Bắc: không dễ ăn



Có rất nhiều dự án xây dựng khu dân cư mới đã được tiến hành hoặc đang được lên kế hoạch tại các tỉnh miền Bắc. Những dự án này nhắm vào tầng lớp thượng lưu* trong một huyện nào đó nơi dự án tiến hành. Những khu dân cư mới này giúp đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn, nhưng cũng thường xuyên biến thành trái đắng cho các chủ đầu tư.

Những dự án khu dân cư mới thường được đặt ở trung tâm một huyện, có quy hoạch na ná giống nhau. Chúng cùng có khu chợ, bệnh viện, trường học, nghĩa trang, khu cây xanh, cơ sở hành chính huỵên, và khu đất ở. Chính cái khu đất ở này mới là trung tâm của dự án, tất cả những phần khác chỉ là "mồi". Người ta làm khu cây xanh để đáp ứng yêu cầu mật độ xây dựng không quá 60% đất dự án, mà cũng để thu hút dân mua đất ở.

Nhưng cá lại không chịu cắn câu. Tình trạng chung của các dự án khu dân cư mới là chỉ những khu đất nằm liền kề mặt đường giao thông mới bán chạy, còn những lô đất phía trong thì rất ế ẩm.

Có nhiều lý do khiến người dân không mặn mà với khu dân cư mới, lý do quan trọng nhất là vì nó không hợp với lối sống làng quê truyền thống của họ. Cách tổ chức và kiến trúc nhà ở các khu này rất giống với đô thị, hai nhà liền kề nhau có khi cũng chẳng biết nhau là ai. Người dân quê không chịu được lối sống công nghiệp này. Họ thích được sang nhà nhau chơi, con cà con kề hàng tiếng mới về.

Một lý do khác là họ đã có sẵn nhà rồi, những ngôi nhà xây dựng xuềnh xoàng, kém về mặt tiện nghi, nhưng lại có diện tích đất vườn, ao rộng hàng trăm mét. Họ cần gì bỏ cả trăm triệu đồng để mua một khu đất nữa? Riêng cái nhà của họ 3 đời con cháu đã ở không hết.




Các nhà đầu tư thường lấy lối sống văn minh đô thị và cơ sở hạ tầng của dự án ra làm tiêu chí thu hút khách hàng, mà quên hẳn rằng người dân quê họ không quan tâm đến cả hai yếu tố trên. Nó trái với lối sống quen thuộc của họ. Nên không có gì lạ khi các dự án thường kết thúc trong thất bại.

Chỉ những ai muốn kinh doanh mới cố mua một khu đất dự án gần mặt đường. Nhưng những khu này thường không có mà mua. Ngay khi dự án được công bố, dân đầu cơ đã mua sạch các lô đất ngon lành này để bán lại dần dần. Tiền đâu mà các bố lại mua được nhiều đất thế? Xin thưa rằng các ông ấy không có tiền, họ lợi dụng cơ chế thanh toán chia thành nhiều giai đoạn để ôm hàng. Lấy ví dụ để sở hữu một lô đất trị giá 800 triệu đồng, họ sẽ được trả làm 3 lần, lần đầu chỉ phải trả 400 triệu, hai lần sau trả tiếp. Thế nên nhiều người có thể ôm 3,4 lô đất mà chỉ phải trả một khoản tiền khiêm tốn. Họ sẽ bán lại cho những người có nhu cầu thực sự với cái giá ngất ngưởng. Sự tham gia của dân đầu cơ gây thiệt hại cho cả chủ đầu tư lẫn khách hàng. Chủ đầu tư thu hồi vốn chậm, còn khách hàng phải trả giá quá cao. Nhưng rất khó khắc phục được tình trạng này, vì không thể đòi người mua trả một lần hết ngay một số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng được.

Phân khúc nhà ở các tỉnh không phải dễ ăn, nhiều người đã trầy da tróc vẩy khi lao vào thị trường này.

*Tầng lớp thượng lưu: chỉ những người có thu nhập xấp xỉ hoặc cao hơn tầng lớp trung lưu tại các đô thị lớn, không ám chỉ về lối sống. Có thể những người này vẫn sống trong những ngôi nhà xuyền xoàng, đi xe máy cũ, nhưng thu nhập của họ lại cao. Cuộc khảo sát của tôi cho thấy phần lớn cư dân nông thôn chỉ có thu nhập 3-4 triệu/năm, những người thu nhập từ 24 triệu đồng năm trở lên đã có thể thuộc về tầng lớp thượng lưu nông thôn rồi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét