Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2009

Lợi thế thời khủng hoảng


Vừa nhận ra một điều thú vị trong kết quả xuất nhập khẩu của ta. Tháng 1/2009, trong khi tổng kim ngạch xuất khẩu giảm 24,8% so với tháng 1/2008, trong đó giảm đặc biệt mạnh là dầu thô và dệt may, thì riêng gạo lại tăng 2,3 lần về lượng và 2,5 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc gạo cạnh tranh tốt trong khi những người anh em được kỳ vọng nhiều ngã ngựa không làm tôi ngạc nhiên. Đây là một đặc điểm đã được nêu rõ trong kinh tế học nhập môn: những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu có độ co giãn của cầu theo thu nhập (YED) thấp. Nghĩa là sự biến động về thu nhập ít ảnh hưởng đến nhu cầu đối với một số mặt hàng. Lương thực là hàng hóa thiết yếu nhất và dĩ nhiên cuộc khủng hoảng tài chính + suy thoái kinh tế không (chưa) thể khiến người dân thế giới ăn ít đi được. Điều bất ngờ là ở chỗ kim ngạch xuất khẩu gạo lại tăng đột biến. Có lẽ nhiều người do thiếu tiền đã từ bỏ những loại gạo ngon, đắt tiền của Nhật, Mỹ, Thái để chuyển sang ăn gạo rẻ tiền của Việt Nam.

YED của mặt hàng gạo là bao nhiêu? Tôi cho rằng YED chỉ có ý nghĩa về mặt tư duy, chứ không thể và cũng không nên cố tìm ra một con số cụ thể. Nhưng chắc chắn YED của gạo phải thấp hơn YED của, ví dụ, dầu thô hay xe ô tô. Những quốc gia đã công nghịêp hóa toàn diện và trông cậy vào thị trường xuất khẩu hàng công nghịêp chắc chắn chứng kiến sự biến động xuất khẩu dữ dội hơn VN nhiều. Xuất khẩu tháng 1 của Hàn Quốc giảm 32.4%, Đài Loan giảm 44,1%. Không có gì lạ vì 90% tỷ trọng xuất khẩu của các nước này là các mặt hàng công nghệ cao, và dĩ nhiên, có YED cao.

Nếu suy thoái tiếp tục nghiêm trọng, liệu có khả năng chúng ta chứng kiên sự phát triển ngược trong kinh tế thế giới: sự chuyển dịch cơ cấu từ công nghịêp sang nông nghịêp hay không? Câu trả lời là không. Lý do là vì thế giới chỉ cần một lượng lương thực như vậy thôi, làm thừa phải đổ đi. Một lượng lớn lao động mất việc không biết làm gì, có khi phải giải quyết bằng cách tống cổ họ ra trận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét