Thứ Sáu, 13 tháng 2, 2009

Credit Default Swap - Hợp đồng Bảo hiểm Nợ



Từ Credit Default Swap dịch sát là Hợp đồng Hoán đổi Nợ xấu. Tuy nhiên về thực chất thì nó là một dạng bảo hiểm tài sản, cũng gíông như người ta mua bảo hiểm sức khỏe vậy.

CDS được phát minh ra năm 1997 bởi ngân hàng JP Morgan Chase. Ban đầu, CDS thuần túy là một hợp đồng bảo hiểm những tài sản mang tính rủi ro. Nếu anh A nắm một lượng lớn cổ phiếu, trái phiếu của công ty B, và lo một ngày nào đó công ty B bị phá sản thì số chứng khoán này sẽ thành giấy vụn, khi đó A sẽ đến ngân hàng C mua CDS, tức là A ký với C một hợp đồng, theo đó A sẽ trả một khoản tiền mang tính định kỳ cho C, và đổi lại C bảo lãnh giá trị số chứng khoán đó cho A. Nếu công ty B phá sản trong thời gian hợp đồng có hiệu lực, ngân hàng C sẽ thanh toán tiền thiệt hại cho A và hợp đồng chấm dứt.

Một ví dụ đơn giản dễ hiểu:

Anh A mua bảo hiểm 10 triệu đô la từ ngân hàng C đối với số cổ phiếu do công ty B phát hành mà A đang giữ trong thời gian 5 năm. A sẽ phải trả lãi suất (spread) cho C là 0,5% mỗi năm, tức 10 triệu*0,5%=50 nghìn đô la mỗi năm. Trong 5 năm nếu không có vấn đề gì xẩy ra, tổng số tiền A phải trả cho ngân hàng C là 250 nghìn đô la.

Tuy nhiên nếu sau 2 năm kể từ ngày ký hợp đồng, công ty B phá sản và số nợ họ phát hành trở thành mớ giấy lộn, ngân hàng C sẽ phải trả cho A 10 triệu đô la. Tổng số tiền A trả cho ngân hàng C trong hai năm là 100 nghìn đô la, nhưng nếu không có sự bảo lãnh của ngân hàng C thì A đã mất trắng số chứng khoán do B phát hành.

Dần dần, CDS biến tướng và trở thành cuộc chơi của các quỹ đầu tư ngừa rủi ro (hedge fund). Các quỹ này không giữ một cổ phiếu nào của công ty B, nhưng biết rằng B đang gặp khó khăn tài chính và có lẽ sẽ sớm phá sản, nên ký hợp đồng bảo hiểm nợ CDS với giá rất cao với ngân hàng C. Nếu B phá sản thật thì các quỹ ngừa rủi ro ăn quả đậm, nhưng nếu không may B lại vượt qua được giai đoạn khó khăn thì các quỹ ngừa rủi ro lỗ nặng. Như vậy là CDS từ một hình thức bảo hiểm có ý nghĩa đã biến thành một trò đánh bạc. Càng ngày tính chất đánh bạc và đầu cơ càng nổi trội và cuối cùng nó thống trị thị trường CDS.

Năm 2000, quốc hội Mỹ đã phạm một sai lầm không thể tha thứ khi thông qua điều luật 5660, theo đó hợp đồng bảo hiểm nợ cùng một loạt những sản phẩm tài chính phái sinh khác không chịu sự giám sát nhà nước. Luật 5660 ra đời từ sự vận động hành lang của các tập đoàn tài chính lớn, nhằm giúp cho họ thoải mái phát hành và kinh doanh những sản phẩm tài chính đem lại nhiều lợi nhuận nhưng đồng thời cũng có tính rủi ro cao (điều nực cười là chính đứa con đẻ của các công ty tài chính lại trở thành kẻ phá sập các tập đoàn này. Quan hệ nhân quả chăng?). Những người soạn luật đã khôn khéo trình luật 5660 tại quốc hội chỉ một ngày trước kỳ nghỉ lễ giáng sinh, do đó nó được thông qua ngay mà không có cuộc thảo luận cần thiết. Khi đó chủ tịch cục dự trữ liên bang Alan Greenspan là người ủng hộ mạnh mẽ việc để thị trường tự điều chỉnh. Ông này cho rằng thị trường luôn đúng còn nhà nước luôn sai, do đó nhà nước càng ít can thịêp vào thị trường càng tốt. Alan Greenspan đã chống lại tất cả các nỗ lực nhằm đặt các sản phẩm tài chính phái sinh dưới sự giám sát nhà nước, một hành động góp phần đưa nước Mỹ đến cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng gần 100 năm qua.

Luật 5660 đã tạo điều kiện cho thị trường CDS phát triển như vũ bão. Tại Mỹ, trước khi luật 5660 được thông qua, thị trường CDS có quy mô 900 tỷ đô la, thì đến cuối năm 2007 đã tăng lên thành 45 nghìn tỷ đô la, nghĩa là tăng lên 50 lần! Trong thị trường CDS, các hợp đồng mang tính đánh bạc và đầu cơ của các quỹ mạo hiểm chiếm đến hơn một nửa. CDS cũng mở rộng quy mô sang cả các chứng khoán dựa trên nhà cửa thế chấp. Do các ngân hàng không bị quản lý trong các hoạt động bảo hiểm CDS, họ bảo hiểm vô tội vạ mà không để ý xem mình có đủ tiền để thanh toán nếu đối tượng được bảo hiểm kia phá sản hay không. Khi bong bóng nhà đất vỡ, các ngân hàng, kể cả những ngân hàng lớn nhất, không có tiền để trả cho các hợp đồng CDS và do đó buộc phải tuyên bố phá sản hàng loạt. Điều hài hước là, các hedge fund lại sử dụng ngay tình cảnh khốn khó của các ngân hàng để ký CDS với các ngân hàng khác và khiến tình hình trở nên thêm nghiêm trọng. Các ngân hàng đã đẩy lãi suất trong các hợp đồng CDS lên cao nhưng trong trường hợp ngân hàng đang khó khăn kia phá sản thực sự, thì số tiền khổng lồ phải trả cho các hedge fund sẽ khiến ngân hàng thanh toán phải điêu đứng.

2 nhận xét:

  1. cám ơn tác giả bài viết đã cung cấp cho tôi biết những thông tin hữu ích về hợp đồng bảo hiểm nợ.

    Trả lờiXóa
  2. Vay vui long cho em hoi, trong bang danh muc va tai san cua mot ngan hang, khi de cap den CDs, thi cai nay chinh la tai san hay no cua ngan hang do? Em xin cam on ^^

    Trả lờiXóa