Thứ Hai, 9 tháng 2, 2009

Đại suy thoái kinh tế thế giới


Thế giới đang rơi vào tình trạng co nhỏ không có lối thoát. Khi giá nhà giảm ở nước Mỹ mùa hè năm 2007, cả thế giới nghĩ đó chỉ là một cái mụn nhỏ. Nhưng thật không ngờ cái mụn này lại là biểu hiện của một căn bệnh ung thư gan di căn. Trước đó trong thời kỳ phát triển kinh tế phồn thịnh, chính quyền Clinton và Alan Greenspan nghĩ cần hạn chế sự can thịêp vào thị trường càng nhiều càng tốt nên nới lỏng các chính sách quản lý đối với ngân hàng và thị trường thứ cấp. Các ngân hàng không bị kiểm soát đã phát hành vô tội vạ trái phiếu dựa trên các tài sản nhà đất thế chấp. Số trái phiếu này phát tán đi khắp thế giới, đặc biệt là tại Châu Âu. Khi giá nhà đất giảm, số trái phiếu này trở thành mớ giấy lộn. Các ngân hàng cho vay quá khả năng ngay lập tức ngập trong nợ. Các ngân hàng mua quá nhiều trái phiếu nhà đất thế chấp cũng ngập trong nợ. Cổ đông nhận ra tình hình khó khăn của các ngân hàng và bắt đầu bán cổ phiếu đi, đẩy giá cổ phiếu xuống thấp. Các ngân hàng không huy động được vốn trong khi nợ thì ngập đến tận cổ, và thế là boong, chết cả nút. Chết dây chuyền. Cả một hệ thống tài chính Mỹ gần như chết cùng một thời điểm: 1 năm sau khi giá nhà đất ở Mỹ giảm. Sau khi hệ thống tài chính Mỹ sụp đổ là đến lượt các ngân hàng Châu Âu, các ngân hàng Nhật, vì mấy ngân hàng lớn có quan hệ tài chính rất chặt chẽ với nhau. Họ vay tiền, cho vay, sở hữu tài sản của nhau, nên một chú đi thì các chú khác cũng chết theo. Đến lúc này thì thế giới mới ý thức được một cuộc khủng hoảng đang nổ ra, nhưng mọi người vẫn chưa ý thức được tầm mức nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng này.

Mọi người vẫn nghĩ đây chỉ là cuộc khủng hoảng tài chính, nghĩa là hạn chế trong mấy ngân hàng thôi. Nhưng vấn đề là mấy ngân hàng này lại toàn là ông trùm cho vay và đầu tư trên thế giới cả. Bọn này nó làm ăn thua lỗ quá, nó không cho ai vay nữa mà tập trung đi đòi nợ. Để cut cost nó sa thải cả chục ngàn lao động. Thế là thế giới chịu hai tác động kép: một là các hoạt động cho vay bị ngưng trệ, hai là tình trạng thất nghiệp gia tăng. Các nhà sản xuất không vay được tiền, mà vay được thì điều kiện cũng rất khắc nghiệt, nên không đầu tư đầu teo gì ráo. Tất cả các hoạt động mở rộng đầu tư đều chấm dứt hết. Lúc này thì cuộc khủng hoảng tài chính đã lan sang khu vực sản xuất, và qua khu vực sản xuất mà lan sang thị trường tiêu dùng. Thất nghiệp tràn lan, người ta không mua sắm nữa. Đến Mỹ là cái thằng chỉ biết chi tiêu, thậm chí vay nợ mà chi tiêu, bây giờ cũng giở dói đề cao tính tiết kiệm. Nhưng lúc này mà tiết kiệm thì chết. Tiết kiệm thì hàng sản xuất ra không ai mua, hàng không ai mua thì các công ty càng lỗ, càng phải giảm quy mô sản xuất xuống, càng cắt giảm thêm nhiều lao động, mà thế là người ta càng chi tiêu ít đi. Chết chết, cái vòng luẩn quẩn đi xuống âm phủ.

Những nước như Trung Quốc, Việt Nam từ trước đến nay chi tiêu ít mà trông cậy chủ yếu vào xuất khẩu. Nhưng bây giờ Mỹ, Nhật, Anh, Đức, nó không mua hàng nữa thì lấy gì mà sống đây? Chú Trung Quốc lúc khó khăn người ta mới nhận ra là con hổ giấy, sức mạnh của chú là sức mạnh ảo, sức mạnh vờ vịt. Người dân Trung Quốc nghèo lắm, không có tiền mà mua sắm đâu, nên chưa đến lúc để Trung Quốc dựa vào thị trường trong nước. 1,3 tỷ người đấy là 1,3 tỷ hạt cát, không có gió thổi từ bên ngoài thì nằm đấy mà khóc với nhau.

Lúc này người ta mới nghĩ cách để giải quyết. Đại khủng hoảng rồi, đại suy thoái rồi, không tìm ra cách thoát ra thì chết cả nút với nhau. Để chặn cái xu hướng co nhỏ tai hại, các nước đua nhau kích cầu. Kích cầu là đúng với tư tưởng của Keynes, vì phái cổ điển hay tân cổ điển đều cho rằng thị trường luôn biết tự điều chỉnh. Chả thế mà có người phải thốt lên lúc này tất cả chúng ta đều là Keynes cả. Ngay cả việc quốc hữu hóa ngân hàng và công ty cũng đúng với tư tưởng của Keynes luôn. Dân Mỹ lúc nào cũng tuyên truyền cho chủ nghĩa tự do thị trường, chửi bới nhà nước, bây giờ là bọn chạy nhanh nhất trong lĩnh vực quốc hữu hóa. Dog die! Người ta định chặn cái xu hướng thu nhỏ lại bằng việc hỗ trợ tiền cho các công ty, mua các tài sản ung thối của các ngân hàng và buộc bọn này phải cho vay tiền. Nhưng cái này cũng cần có thời gian. Có phải muốn cho vay là cho vay được ngay đâu? Còn phải xem dự án nào có thể cho vay được, còn phải cân đối bảng cân đối kế toán (balance sheet) xấu hoắc, nhưng mà bây giờ thì dự án nào cho vay được? Chả có cái dự án nào cho vay được vì cả thế giới cùng đang ngắc ngoải, mà cũng chẳng ai muốn vay để đầu tư. Tiền chôn trong các ngân hàng không có tác dụng gì. Dư luận cho rằng tiền cứu trợ chảy vào túi của ban điều hành tập đoàn cả, điều này cũng có lý lắm. Mà bọn này chỉ vài mạng, có tác dụng kích cầu gì đâu?

Tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, một diễn đàn rất ngu và hoàn toàn không có tác dụng gì ngoài tác dụng quảng cáo và kết bạn cho giám đốc các công ty lớn, George Soros nói một câu làm nhiều người choáng váng. Cuộc đại suy thoái 1930 giải quyết được là nhờ chiến tranh thế giới lần 2, cuộc đại suy thoái lần này có lẽ cũng sẽ như thế. Tất nhiên bây giờ thì người ta nghĩ lời này là lầm, nhưng nếu suy thoái kéo dài 2, 3 năm thì không ai đảm bảo được điều gì. Cả thế giới sẽ co cụm lại, chủ nghĩa dân tộc lên cao và sẽ có kẻ tìm cách gây chiến tranh để giải quyết vấn đề kinh tế và tâm lý. Không ai biết trước được.

Không mong điều này xẩy ra, và hy vọng đến cuối năm nay hoặc tệ lắm thì đầu năm sau tình hình sẽ chuyển biến tốt đẹp, nhưng cũng phải chờ xem thế nào thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét